Định nghĩa bệnh truyền nhiễm: Bệnh truyền nhiễm là một căn bệnh gây ra bởi vi sinh bao gồm vi khuẩn, virút, nấm hoặc protozoa. Bệnh truyền nhiễm có thể truyền từ thú vật sang con người, hoặc từ người này sang người khác.
Cơ chế truyền nhiễm
Cơ chế truyền nhiễm là một cơ chế đảm bảo cho vi sinh vật gây bệnh từ vật chủ này sang sinh trưởng và phát triển ở một vật chủ khác. Cơ chế truyền nhiễm gồm ba giai đoạn:
- Vi sinh vật gây bệnh ra khỏi vật chủ cũ.
- Vi sinh vật gây bệnh tồn tại ở môi trường bên ngoài.
- Vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào vật chủ mới.
Vi sinh vật gây bệnh ra khỏi vật chủ cũ
Vị trí cảm nhiễm thứ nhất quyết định con đường giải phóng vi sinh vật gây bệnh ra khỏi cơ thể.
Vi sinh vật gây bệnh có vị trí cảm nhiễm ở ruột, theo phân ra ngoài. Ví dụ: vi khuẩn tả, lỵ….
Vi sinh vật gây bệnh có vị trí cảm nhiễm ở niêm mạc đường hô hấp thì chúng theo nước bọt bắn ra ngoài khi ho hoặc khi hắt hơi. Ví dụ: vi khuẩn bạch hầu.
Các bệnh truyền nhiễm chỉ có bốn vị trí đào thải khỏi cơ thể:
- Theo phân.
- Theo dòm và các chất tiết mũi họng.
- Theo máu được các véc tơ trung gian hút ra khỏi cơ thể.
- Theo sự thải bỏ của da, niêm mạc, lông, tóc.
Vi sinh vật gây bênh tồn tại ở môi trường bên ngoài
Các vi sinh vật gây bệnh có thể tồn tại ở: nước, đất, nếu thải theo phân.
Nếu vi sinh vật gây bệnh được giải phóng từ đường hô hấp thì chúng sẽ vào không khí.
Thời gian tồn tại ở môi trường bên ngoài lâu hay chóng tuỳ thuộc vào điều kiện của môi trường ngoại cảnh, nhưng quyết định vẫn là sức đề kháng của vi sinh vật gây bệnh. Ví dụ:
- Trực khuẩn lao, virút đậu mùa tồn tại được rất lâu ở môi trường ngoại cảnh.
- Virút viêm gan, trực khuẩn thương hàn, virút bại liệt, trực khuẩn bạch hầu có sức chịu đựng khá cao ở ngoại cảnh.
- Các loại không có sức chịu đựng lâu ở ngoại cảnh như virút sởi, virút cúm, dại…
Vi sinh vật gây bênh xâm nhập vào vật chủ mới
Về cơ bản đường vào vật chủ mới của vi sinh vật giống như đường mà vi sinh vật đã sử dụng để thoát ra khỏi vật chủ cũ.
Các bệnh đường hô hấp thì đường hô hấp vừa là đường vào vừa là đường ra của vi sinh vật gây bệnh. Ví dụ: vi khuẩn viêm màng não từ niêm mạc mũi họng ra ngoài thì cũng qua đó vào cơ thể.
Như vậy, lối vào cơ thể vật chủ của vi sinh vật gây bệnh cũng do vị trí cảm nhiễm thứ nhất của chúng trong cơ thể quyết định.
Một số vi sinh vật gây bệnh phải do môi giối truyền, ví dụ: ký sinh trùng sốt rét do muỗi Anopheles truyền.
Tóm lại, bất cứ bệnh nhiễm khuẩn nào cũng cần phát hiện vị trí cảm nhiễm thứ nhất của vi sinh vật gây bệnh và cơ chế truyền nhiễm của bệnh đó. Căn cứ vào vị trí cảm nhiễm thứ nhất của vi sinh vật gây bệnh và cơ chế truyền nhiễm. Các bệnh truyền nhiễm có thể chia thành bốn nhóm chính:
- Bệnh truyền nhiễm đường tiêu hoá.
- Bệnh truyền nhiễm đường hô hấp.
- Bệnh truyền nhiễm đường máu.
- Bệnh truyền nhiễm đường da và niêm mạc.
Đọc thêm tại:
- http://blogysinhhoc.blogspot.com/
- http://blogysinhhoc.blogspot.com/2015/04/gioi-thieu-khai-quat-ve-benh-sot-ret.html
- http://blogysinhhoc.blogspot.com/2015/06/hai-yeu-to-gian-tiep.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét